CHATTHUGIAN.MOBIE.IN
kính chào qúy khách

TRANG CHỦ
Truyện Teen   Ngôn Tình   Đam Mỹ   Bách Hợp   Tử Vi   Truyện Tranh  
Facebook  Xổ Số  Dịch  Tải Game  Báo  Tiền Ảo Bitcoin 

  Dòng sông kỳ bí


Dòng sông kỳ bí

Tác giả: Dennis Lehane

Người dịch: Quỳnh Lê

Kích thước: 14 x 20.5 cm

Số trang: 552

Ngày xuất bản: 10/04/2014

Giá bìa: 115.000 ₫

Công ty phát hành: Nhã Nam

Nhà xuất bản: NXB Hội Nhà Văn

Giới thiệu

"Tựa như dòng sông mênh mang, dầy đặc chảy trong thành phố, dòng đời cũng dẫn đưa con người qua những chặng đường không giải thích được, mà đôi khi chúng ta gọi là định mệnh.

Chuyện bắt đầu với ba cậu bé, khoảng 10 tuổi, lớn lên tại một khu lao động, East Buckingham, của tỉnh Boston: Jimmy Markum, Dave Boyle và Sean Devine. Các cậu thích cùng nhau chơi banh hockey trong xóm. Một ngày nọ, quả banh lọt vào cống, không lấy ra được. Xoay qua trò chơi khác, nghịch ngợm, các cậu hùa nhau viết tên lên mảnh xi-măng mới trám xong, chưa kịp khô. Cậu thứ ba, Dave mới viết tên nó nửa chừng, thì có người đàn ông dừng xe lại, mắng ba đứa nhỏ. Cả ba tưởng là những người này thuộc nhà chức trách, nên khi người đàn ông bắt Dave vào xe, để đem tới sở cảnh sát, thì Dave, vì bị bắt quả tang, sợ quá vâng lời leo lên xe. Đến đây, khán giả đều hiểu rằng, ba cậu bé đã bị lừa, và Dave đã bị một tên quỷ râu xanh đem trẻ con về nhà lợi dụng, làm trò mờ ám. Bốn ngày sau Dave chạy thoát được. Tuy may mắn trở về được với gia đình, nhưng từ đó Dave là một người khác, cậu không còn nhập bọn với hai người bạn trẻ kia nữa, vì cậu đã đánh mất tuổi thơ vô tội."

Ba người bạn từ thuở thiếu thời: Dave Boyle, Sean Devine và Jimmy Marcus, họ đã cùng học cùng chơi, cùng có một tuổi thơ khó quên, nhưng rồi họ thực sự rẽ sang các ngả đời khác nhau sau khi tất cả cùng không chịu đựng nổi vụ Dave bị bắt cóc, bị lạm dụng tình dục và trốn được về. Sean đã trở thành cảnh sát, Jimmy đi tù rồi thành chủ một cửa hàng nhỏ, Dave trở nên trầm lặng hơn, với một cuộc sống bấp bênh, mờ nhạt. Mờ nhạt như cả mối liên kết giữa họ với nhau. Cho đến một ngày, con gái lớn của Jimmy bị sát hại, Sean bước vào cuộc điều tra và Dave trở thành nghi can số 1…

Ai cũng có phần tối tăm căn nguyên tội lỗi của riêng mình, ba con người đó cũng vậy. Nhưng liệu có thể xóa tan được những tội lỗi ấy, hay chỉ có thể vùi chôn chúng dưới lòng một dòng sông kỳ bí? Hơn rất nhiều một cuốn tiểu thuyết trinh thám-kinh dị, đây xứng đáng được coi là một khám phá về quá trình trưởng thành, điều khiến Dennis Lehane không chỉ là một “tiểu thuyết gia trinh thám giỏi” mà là một “tiểu thuyết gia trinh thám đại tài”.

Nhận định

“Câu chuyện của Lehane khiến độc giả bị sốc với những hình ảnh không hề dễ chịu và một kết cục cực kỳ căng thẳng. Những góc tối của cuộc sống đã được tác giả mô tả xuất sắc ở cuốn tiểu thuyết thứ sáu này của mình.”

- Publishers Weekly

Tác giả

Dennis Lehane: Là nhà văn Mỹ gốc Ai Len. Anh sinh ngày 4 tháng Tám năm 1965 tại quận Dorchester, Boston.

Sau khi theo học ở quê nhà, anh đến trường Đại học Quốc tế Florida để theo học ngành sáng tác. Vừa viết cuốn sách đầu tay anh vừa kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau: giao hàng, bán sách, lái xe,… Dennis Lehane từng làm việc cả trong lĩnh vực chăm sóc trẻ em bị ngược đãi, một chủ đề trở đi trở lại trong phần lớn các tác phẩm của anh.

Ba trong số các tiểu thuyết anh viết, Dòng sông kỳ bí, Gone Baby Gone, Đảo kinh hoàng, đã lần lượt được chuyển thể thành các bộ phim nổi tiếng bởi ba đạo diễn trứ danh Clint Eastwood, Ben Affleck và Martin Scorsese

Lời cảm ơn

Như thường lệ, xin cảm ơn trung sĩ Michael Lawn ở Sở Cảnh sát Watertown; Brian Honan ở Hội đồng thành phố Boston; David Meier, chỉ huy đơn vị điều tra án mạng trực thuộc văn phòng công tố quận Suffolk; Teresa Leonard và Ann Guden vì đã chỉ ra những nhầm lẫn của tôi; và Tom Murphy thuộc công ty tổ chức tang lễ James A.Murphy ở Dorchester.

Tôi hết sức biết ơn nhân viên Robert Manning thuộc cơ quan cảnh sát bang Massachusetts, người đã chấp nhận trả lời mọi câu hỏi của tôi, kể cả những câu ngốc nghếch nhất, mà không bao giờ nhăn mặt.

Những lời cảm ơn sâu sắc gửi tới người đại diện tuyệt vời của tôi, Ann Rittenberg, và một biên tập viên xuất chúng, Claire Wachtel, vì đã hướng lối cho tôi.

Phần I: Những cậu bé thoát khỏi miệng sói (1975)

1. Kẻ phố Thượng, người phố Hạ

Khi Sean Devin và Jimmy Marcus còn nhỏ, cha họ cùng làm việc tại nhà máy kẹo Coleman và lúc nào cũng trở về nhà với mùi sô cô la nồng nặc. Nó trở thành một thức mùi đặc trưng, vĩnh viễn bám vào quần áo họ mặc, giường họ ngủ và thậm chí cả lớp đệm trên ghế ô tô. Bếp nhà Sean có mùi giống như một cây kem sô cô la Fudgsicle trong khi buồng tắm thì sực nức mùi kẹo thỏi Chew-Chew. Tới năm mười một tuổi thì Sean và Jimmy đã hình thành một mối ác cảm không biên giới đối với các loại kẹo, tới mức sau này cả đời họ chỉ uống cà phê đen và không bao giờ đụng tới các món tráng miệng.

Vào các ngày thứ Bảy, cha của Jimmy thường ghé qua nhà Devine để uống bia với cha Sean. Ông thường mang Jimmy đi cùng và rồi từ một chai bia sẽ nhẩn nha thành sáu, cộng với hai, ba quắn whisky Dewar, trong khi ấy Jimmy và Sean chơi ngoài sân, đôi khi có thêm Dave Boyle, một thằng bé có đôi mắt ủy mị, tay chân lẻo khoẻo như con gái, suốt ngày kể những truyện cười nghe được từ các ông chú của nó. Từ bên kia cửa sổ bếp, chúng có thể nghe thấy tiếng mở nút bia xì xoẹt, tiếng cười chốc chốc lại rộ lên, tiếng nắp bật lửa Zippo kêu tanh tách mỗi khi ông Devine và ông Marcus châm thuốc Lucky Strike.

Cha Sean là người có công việc tốt hơn, vì ông là đốc công. Ông có vẻ ngoài cao lớn, nước da trắng, và một nụ cười dễ dãi, phóng khoáng mà Sean đã không ít lần chứng kiến, có thể dập tắt ngay mọi cơn giận dữ của mẹ cậu, cứ đơn giản như là tắt đi một chiếc công tắc. Còn cha của Jimmy là người bốc hàng lên xe tải. Đó là một người nhỏ thó với mái tóc màu sẫm lúc nào cũng rủ trên trán một cách lộn xộn nhưng đôi mắt của ông lại vô cùng sống động. Ông vô cùng hoạt bát, chỉ trong nháy mắt là đã thấy biến sang một góc khác ở trong phòng. Dave Boyle thì có rất nhiều chú, nhưng không có cha và lý do duy nhất khiến thằng bé xuất hiện ở đây vào những ngày thứ Bảy như thế này là nhờ biết cách dính như keo vào Jimmy: nó để ý lúc cha con Jimmy rời khỏi nhà để xuất hiện bên cạnh xe ô tô của họ và hổn hển gọi, “Cậu đi đâu đấy, Jimmy?” với một vẻ hy vọng não nề.

Tất cả bọn họ đều sống ở khu East Buckingham, ngay phía Tây của trung tâm thành phố, một khu dân cư với những cửa hàng chật chội nơi góc phố, những sân chơi nhỏ xíu và những cửa hàng thịt treo bán những tảng thịt còn đỏ máu. Các quán bar ở đây đều có tên gốc Ailen với những chiếc xe Dodge Dart đỗ bên ngoài. Phụ nữ thường dùng khăn mùi soa cột tóc lại sau gáy và mang những chiếc bóp giả da để đựng thuốc lá. Cho tới vài năm trước đây, hầu như mọi thanh niên trong khu phố đều bị túm đi lính, cứ như là có tàu vũ trụ tới hớt họ đi và ném thẳng ra chiến trường. Họ trở về cứ như người mất hồn, mặt mũi sưng sỉa hàng năm trời, có khi lâu hơn và cũng có những người không bao giờ trở lại. Ban ngày, các bà mẹ lục báo tìm tem phiếu giảm giá. Ban đêm, các ông bố tìm tới các quán bar. Tất cả mọi người đều biết nhau, chả người nào nỡ bỏ chốn này mà đi, trừ những cậu thanh niên ra trận mà không trở về.

Jimmy và Dave ở khu phố Hạ, dưới con kênh Penitentiary, phía Nam đại lộ Buckingham, chỉ cách phố nhà Sean mười hai khu nhà nhưng nhà Devine lại nằm ở phía Bắc của đại lộ, thuộc về khu phố Thượng mà khu Thượng và khu Hạ vốn không thể đánh đồng.

Nói thế không phải là khu Thượng có những đường phố dát vàng lấp lánh và thìa bạc rải khắp nơi. Người ở khu Thượng cũng là giai cấp lao động, công nhân cổ xanh sống trong những ngôi nhà khung chữ A đơn giản thi thoảng lại xen kẽ một biệt thự nhỏ kiểu Victoria với những chiếc xe Chevy, Ford hay Dodge đỗ bên ngoài. Nhưng người ở khu Thượng sở hữu nhà. Còn người ở khu Hạ ở nhà thuê. Các gia đình ở khu Thượng đều đều đi lễ nhà thờ, sống co cụm lại với nhau, dựng lên những biển hiệu ở góc phố trong mùa bầu cử. Người ở khu Hạ, chả ai biết họ làm gì, đôi khi sống như súc vật, mười người nhét trong một căn hộ, xả rác ra đường phố. Dân Xóm Welliveville, Sean và các bạn học của cậu ở trường Saint Mike vẫn dùng từ đó để chỉ các gia đình sống nhờ vào trợ cấp xã hội, bố mẹ thì ly dị, con cái thì gửi vào các trường công lập. Thế cho nên trong khi Sean đi học ở trường cấp hai Saint Mike trong đồng phục quần trắng, sơ mi xanh, cà vạt đen thì Jimmy và Dave phải học ở trường Lewis M.Dewey trên phố Blaxston. Trẻ con ở trường này có thể ăn mặc thoải mái, nghe thì có vẻ hấp dẫn nhưng sự thực là chúng thường mặc nguyên một bộ trong suốt ba hay năm ngày liền không thay đổi. Cả người chúng trông nhờn nhờn, từ tóc tai, da dẻ, cho tới cổ và tay áo. Rất nhiều cậu trai mặt rỗ mụn đã bỏ học từ rất sớm và vài cô gái mặc váy bầu tới dự lễ tốt nghiệp.

Như vậy nếu không phải là do cha chúng thì có lẽ bọn trẻ sẽ chẳng bao giờ chơi với nhau. Trong tuần chúng cũng không qua lại với nhau trừ những ngày thứ Bảy, những ngày thứ Bảy đặc biệt, chúng cùng chơi ở sân sau hoặc đi lang thang qua những bãi sỏi dưới phố Harvest, bắt tàu điện ngầm vào trung tâm thành phố, chả để thăm thú gì mà chỉ để tận hưởng cảm giác được xuyên qua những đường hầm tối om giữa âm thanh rung chuyển của đường ray, của tiếng phanh nghiến khi những toa tàu quẹo góc, dưới những ánh đèn lóe lên rồi lại chợt tắt mà đối với Sean giống như cả thế giới đang nín thở. Bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy đến khi ở cùng với Jimmy. Nếu thằng bé có nhận thức được rằng luật lệ tồn tại ở khắp nơi, dưới tàu điện ngầm, trên phố hay trong rạp chiếu phim thì nó cũng giả vờ như không biết.

Một lần bọn chúng đang chơi ở ga phía Nam, ném qua ném lại một trái banh hockey màu cam trên sân ga thì Jimmy đỡ trượt cú liệng của Sean khiến quả bóng rơi xuống đường ray. Trước khi Sean kịp nghĩ tới việc Jimmy có thể nảy ra ý định đó thì cậu ta đã nhảy khỏi sân ga xuống giữa hai đường ray với đám chuột cống, chuột nhắt và thanh ray cấp điện. Mọi người trên sân ga dường như muốn phát điên. Họ gào thét sau lưng Jimmy. Một người phụ nữ mặt trở nên xám ngoét như tàn thuốc lá khuỵu gối xuống la lớn, Quay lại ngay, quay lại đây ngay, đồ chiết tiệt! Sean nghe thấy một âm thanh chuyển động rùng rùng, có thể là của chuyến tàu đang vào tới đường hầm ở phố Washington hay của những chiếc xe tải chạy ở phía trên mặt đất, những người ở trong sân ga cũng vậy. Họ khua chân múa tay, nghiêng ngó khắp nơi tìm bóng dáng cảnh sát. Một người đàn ông còn lấy tay che mắt con gái mình lại.

Jimmy vẫn cúi đầu, nhìn chăm chú vào khoảng tối dưới sân ga để tìm quả bóng. Cuối cùng nó cũng tìm được và nhẩn nha dùng tay áo lau đi vết bụi bẩn bám trên đó, phớt lờ đám người đang quỳ trước vệt vôi màu vàng an toàn trên sân ga, thò tay xuống phía đường ray vẫy nó.

Dave huých vai Sean kêu lên, “Kinh quá nhỉ?”

Jimmy vẫn thản nhiên đi giữa các đường ray về phía cầu thang cuối sân ga nơi đường hầm há miệng tối om và rồi một âm thanh lớn vang lên, làm rung chuyển cả sân ga khiến hết thảy mọi người đều nhảy chồm lên vì sốt ruột, tay đấm thình thịch vào hai bên mạng sườn. Jimmy vẫn nhẩn nha, cứ như là đang đi dạo mát, rồi quay đầu lại nhìn, bắt gặp ánh mắt của Sean liền toét miệng ra cười.

“Cậu lại còn cười được chứ. Đúng là thằng điên.”

Khi Jimmy đặt chân lên bậc thang xi măng đầu tiên, nhiều cánh tay đã thò xuống lôi nó lên. Sean thấy hai bàn chân của Jimmy đung đưa về phía bên trái, đầu thì gục xuống và ngoẹo sang phải, trông nó nhỏ xíu và nhẹ bẫng trong cánh tay của một người đàn ông lực lưỡng, giống như một con rối làm bằng rơm, nhưng Jimmy vẫn siết chặt quả bóng trước ngực ngay cả khi mọi người tóm lấy khuỷu tay cậu ta mặc cho hai cẳng chân va vào tường. Sean cảm nhận được Dave đang hốt hoảng đi bên cạnh cậu, không nói nên lời. Sean nhìn mặt những người vừa kéo Jimmy lên khỏi đường ray và không tìm thấy bất cứ nét lo âu, sợ hãi nào, không còn bất kỳ dấu vết nào của sự tuyệt vọng mà cậu vừa chứng kiến chỉ một phút trước đó. Cậu chỉ thấy những cơn thịnh nộ, những khuôn mặt hung dữ, cau có, đầy vẻ man rợ như chực cấu xé Jimmy ra từng mảnh nhỏ rồi dần cho thằng bé một trận nhừ tử.

Họ lôi Jimmy lên sân ga, giữ lấy thằng bé, những ngón tay bấu vào vai nó và nhìn quanh quẩn như chờ đợi ai đó nói cho họ biết phải làm gì tiếp theo. Đoàn tàu lao vào đường hầm, ai đó hét lên, rồi sau đó lại có tiếng cười lanh lảnh, cái điệu cười chói tai đó khiến Sean nghĩ tới một đám phù thủy đang vây quanh một cái chảo làm phép vì khi đoàn tàu tiến vào phía bên kia nhà ga và tiếp tục chạy theo hướng Bắc, Jimmy ngẩng lên nhìn vào mặt những người đang giữ lấy cậu như muốn nói, Chả sao cả, thấy chưa?

Cạnh Sean, Dave phá ra cười the thé rồi bưng hai tay lên và nôn ọe vào đó.

Sean nhìn sang chỗ khác và tự hỏi không hiểu vai trò của cậu là ở đâu trong cả câu chuyện này.

Đêm đó, cha Sean bắt cậu ngồi lại trong phòng để đồ ở tầng hầm. Đó là nơi chứa đầy những chiếc mỏ kẹp ê tô màu đen, những vỏ hộp cà phê đựng đinh và ốc vít, những chồng gỗ xếp gọn gàng phía dưới chiếc tủ quầy để đồ nghề sứt sẹo ngăn căn phòng ra làm hai, những chiếc búa gài trên những tấm thắt lưng thợ mộc trông giống súng giắt trong bao, một lưỡi cưa dài lủng lẳng trên móc. Đây là nơi mà cha Sean, thường nhận các công việc sửa chữa vặt trong khu phố dùng để đóng các chuồng chim cho mình và những chiếc kệ để bày hoa trên cửa sổ cho bà vợ. Đây cũng là nơi ông dự định làm lại cánh cổng đằng sau nhà, một ý tưởng mà ông và các bạn ông nghĩ ra vào một mùa hè nóng bỏng khi Sean năm tuổi và đây cũng là nơi ông đến mỗi khi cần được thảnh thơi yên tĩnh một mình, hay khi ông đang giận dữ, điều này Sean cũng biết, hoặc là giận Sean, mẹ cậu hoặc là chính công việc của ông. Những chiếc chuồng chim - mô hình thu nhỏ của các kiểu kiến trúc thời Tudor và thuộc địa, hay kiểu Victoria và nhà gỗ trên núi của Thụy Sĩ - chất đống trong một góc phòng, nhiều tới mức để dùng hết chúng, có lẽ họ phải chuyển tới sống trong rừng Amazon thì mới tìm ra đủ chim để nhốt vào.

Sean ngồi trên chiếc ghế đẩu cũ kỹ màu đỏ, loại thường hay để cạnh quầy bar và thò tay vào bên trong chiếc mỏ kẹp màu đen nặng trịch, chạm vào lớp dầu máy và bụi bám két trong đó cho tới khi cha cậu bảo, “Sean, bố phải nói con bao nhiêu lần nữa hả?”

Nghe thế Sean mới rút tay ra và chùi lớp dầu mỡ vào lòng bàn tay.

Cha cậu nhặt mấy chiếc đinh rơi ra trên nóc quầy, bỏ chúng vào một hộp đựng cà phê màu đen. “Bố biết là con thích Jimmy Marcus nhưng nếu từ giờ trở đi hai đứa muốn chơi cùng với nhau thì sẽ phải chơi ở quanh quẩn gần nhà. Nhà mình chứ không phải nhà cậu ta, nghe chưa?”

Sean gật đầu. Tranh cãi với cha cậu chỉ vô ích khi ông đang nói một cách từ tốn và chậm rãi như lúc này, như thể mỗi từ thoát ra đều đeo thêm một tảng đá nặng.

“Chúng ta hiểu ý nhau chứ?” Cha cậu đặt chiếc hộp cà phê xuống phía bên phải và nhìn Sean.

Sean gật đầu. Cậu nhìn những ngón tay to lớn của cha phủi lớp bụi trên nắp hộp.

“Trong bao lâu ạ?”

Cha cậu với tay lôi một mảng bụi bám trên một chiếc móc ở trần nhà, lấy mấy ngón tay vân vê rồi ném vào thùng rác dưới quầy. “Ôi, cũng phải một thời gian, bố nghĩ vậy. Mà Sean này?”

“Vâng, thưa bố?”

“Đừng có nghĩ tới việc nịnh nọt mẹ con về chuyện này. Bà ấy chẳng bao giờ muốn con gặp lại Jimmy nữa sau pha mạo hiểm ngày hôm nay.”

“Cậu ấy cũng không tệ tới mức đó. Cậu ấy…”

“Bố không nói nó là một đứa tệ. Nó chỉ là một đứa ngông cuồng, mà mẹ con thì rất ớn mấy thứ đó.”

Sean nhìn thấy mặt cha cậu bỗng dưng lóe sáng khi ông nhắc tới từ “ngông cuồng” và cậu hiểu rằng lúc đó cậu đang đối diện với một Billy Devine khác, một Billy Devine mà cậu hình dung ra từ những mẩu đối thoại cóp nhặt, nghe được từ cô dì chú bác. Billy của ngày xưa, họ gọi ông như thế, họ đặt cho ông một biệt hiệu là “cậu chàng thích gây sự”, chú Colm có lần vừa cười vừa nhắc lại, cái gã Billy Devine ấy đã biến mất không lâu trước khi Sean ra đời và thay vào đó là người đàn ông trầm lặng, cẩn thận với những ngón tay to lớn và nhanh nhẹn đã làm không biết bao nhiêu cái chuồng chim này.

“Hãy nhớ những gì chúng ta vừa nói,” cha cậu nói và vỗ lên vai Sean, ra hiệu câu chuyện đã kết thúc.

Sean rời khỏi phòng để đồ, vừa đi trong tầng hầm lạnh lẽo vừa tự hỏi không hiểu điều khiến cậu thích thú làm bạn với Jimmy có giống như việc cha cậu thích giao du với ông Marcus, cùng nhậu nhẹt từ thứ Bảy sang Chủ nhật, rồi cứ đột nhiên cười phá lên một cách ầm ĩ, và phải chăng đó cũng chính là điều khiến mẹ cậu lo sợ.

Vài tuần trôi qua, một hôm thứ Bảy, Jimmy và Dave Boyle tới nhà Devine mà không có cha của Jimmy đi cùng. Hai đứa gõ cửa sau đúng lúc Sean vừa kết thúc bữa sáng. Sean nghe tiếng mẹ cậu ra mở cửa và nói, “Chào buổi sáng Jimmy, chào buổi sáng Dave” bằng cái giọng lịch sự rất xã giao bà thường hay dùng với những người mà bà thường phân vân không biết có nên qua lại hay không.

Hôm nay Jimmy có vẻ trầm lặng. Nguồn năng lượng hừng hực thường ngày dường như bị phong kín. Sean gần như có thể nhận thấy thứ năng lượng ấy đang giãy giụa giữa những bức tường thành bên trong lồng ngực Jimmy và cậu ta đang cố phong tỏa chúng. Trông cậu ta nhỏ bé và rầu rĩ hẳn đi như một thằng nhóc đang bị gai chích. Sean đã từng chứng kiến cảnh này trước đây. Ở Jimmy luôn có cái gì đó rất tâm trạng khiến Sean vẫn thường tự hỏi không biết cậu ta có khả năng điều chỉnh sự u uất đó hay không, hay là nó lại giống như một cơn đau họng và những người họ hàng của mẹ, cứ đột ngột xuất hiện mà không cần biết liệu chủ nhà có muốn đón tiếp.

Những lúc Jimmy như thế thì Dave Boyle lại càng chứng tỏ khả năng thêm dầu vào lửa của mình. Có vẻ như cậu ta tự nhận mình có nhiệm vụ làm cho người khác vui vẻ nhưng hậu quả lại thường chỉ khiến đối tượng thêm bực bội.

Trong lúc chúng đứng đó trên vỉa hè chưa biết phải làm gì thì Jimmy vẫn chìm đắm trong thế giới của riêng cậu ta còn Sean thì chưa tỉnh ngủ. Cả ba đứa đều uể oải nghĩ tới viễn cảnh cả một ngày chỉ được phép chơi bời trong phạm vi khu phố của Sean. Dave lên tiếng trước, bảo, “Này, tại sao chó lại liếm hai hòn bi của nó?”

Cả Sean và Jimmy đều chẳng buồn trả lời. Chúng đã nghe câu hỏi này có lẽ đến lần thứ một nghìn rồi cũng nên.

“Vì nó có thể!” Dave Boyle cười ré lên rồi ôm lấy bụng cứ như thể cậu ta buồn cười tới đau cả ruột.

Jimmy bước về phía các cột trụ chắn đường mà người ta đặt xung quanh khu vực vỉa hè đang được thay gạch lát. Đội thi công đã căng dải băng màu vàng cấm xâm phạm quanh bốn cột trụ chắn tạo thành một hình chữ nhật để bảo vệ những tấm gạch lát mới nhưng Jimmy vẫn thản nhiên đi qua khiến dải băng đứt phựt. Rồi cậu ta ngồi xổm xuống mép đường, đôi giày vải hiệu Ked đặt lên phần vỉa hè cũ, và dùng một cái que vẽ lên lớp xi măng còn mềm xốp những đường thanh thanh khiến Sean liên tưởng tới những ngón tay của người già.

“Bố tớ không còn làm chung với bố cậu nữa.”

“Sao thế?” Sean ngồi xổm xuống bên cạnh Jimmy. Cậu không có cái que nào dù cậu rất muốn. Cậu những mong làm giống như Jimmy mà không hiểu tại sao mình lại có ý định đó trong khi thừa biết nếu làm vậy thì cha cậu sẽ quật cho cậu quắn đít.

Jimmy chỉ nhún vai nói, “Vì ông ấy thông minh hơn họ. Ông ấy làm cho họ sợ vì ông ấy biết quá nhiều thứ.”

“Những thứ rất hoành tráng!” Dave Boyle chen vào. “Phải không, Jimmy?”

Phải không, Jimmy? Phải không, Jimmy? Đôi khi Dave giống hệt một con vẹt.

Sean tự hỏi không hiểu một người có thể hiểu biết về bánh kẹo tới mức độ nào và tại sao điều đó lại được coi là quan trọng. “Là thứ gì mới được chứ?”

“Như làm sao điều hành công việc tốt hơn.” Jimmy nói, vẻ không được chắc chắn cho lắm rồi nhún vai kết luận. “Nói chung là nhiều thứ, những thứ quan trọng.”

“Ồ.”

“Làm sao điều hành công việc tốt hơn. Phải thế không, Jimmy?”

Jimmy tiếp tục vẽ lên nền xi măng. Dave Boyle đã tìm được một cái que và chúi đầu xuống xi măng để vẽ một hình tròn. Jimmy nhíu mày, vứt cái que của mình sang một bên. Dave ngừng vẽ, nhìn sang Jimmy như muốn hỏi, Tớ phải làm gì đây?

“Biết có trò gì hay không?” Giọng nói chợt trở nên phấn khích của Jimmy khiến máu trong người Sean như sôi lên vì cái gọi là “hay” của Jimmy thường rất khác người.

“Trò gì cơ?”

“Lái xe ô tô.”

“Cũng được.” Sean từ tốn trả lời.

“Các cậu biết không,” Jimmy giơ hai tay lên chỉ ra xung quanh, lập tức quên bẵng cái que và những nét vẽ nguệch ngoạc trên lớp xi măng mới và bảo, “chỉ cần đi quanh dãy nhà này thôi.”

“Chỉ cần đi quanh dãy nhà thôi,” Sean nói.

“Hơi bị hay đấy, nhỉ?” Jimmy nói và cười toét miệng.

Sean cảm thấy mặt cậu giãn ra và bừng lên một nụ cười. “Hay đấy!”

“Phải nói là hay chưa từng thấy.” Jimmy nói rồi co một chân nhảy cẫng lên. Cậu ta nhướng mày về phía Sean rồi lại nhảy cẫng lên lần nữa.

“Đúng là sẽ rất hay.” Sean có cảm giác như chiếc vô lăng to sù đã nằm trong tay cậu.

“Chuẩn chuẩn chuẩn.” Jimmy nói và đấm vào vai Sean.

“Chuẩn chuẩn chuẩn.” Sean thụi lại vào vai Jimmy, có cái gì đó đang dâng trào trong người cậu, dồn dập gấp gáp, khiến mọi thứ đều trở nên tươi sáng, hối hả.

“Chuẩn chuẩn chuẩn.” Dave nhại lại nhưng cú đấm của cậu ta không trúng vào vai Jimmy.

Trong chốc lát, Sean quên bẵng mất là Dave cũng đang ở đó. Chuyện này vẫn hay thường xảy ra với Dave. Sean cũng không biết là tại sao nữa.

“Hay đếch chịu được!” Jimmy cười to và lại nhảy cẫng lên.

Còn Sean thì đã lập tức hình dung ra cảnh đó. Hai đứa bọn cậu ngồi ở ghế trước (Dave ngồi phía sau giả sử như cậu ta có mặt ở đó) và chiếc xe chuyển động, hai đứa trẻ mười một tuổi lái xe đi quanh Buckingham, bóp còi inh ỏi khi nhìn thấy bạn, khiêu khích những đứa lớn hơn trên đại lộ Dunboy đua theo, mài lốp xe kin kít trên đường và thải ra những đám khói dày đặc. Cậu còn cảm thấy cả lớp không khí tràn qua cửa xe lùa vào tóc cậu.

Jimmy nhìn ra phố và hỏi, “Cậu biết ai ở phố này để chìa khóa trong xe không?”

Sean biết. Ông Griffin để chìa khóa dưới ghế, Dottie Fiore cất trong hộp đựng găng còn ông già Makowski say xỉn, ngày cũng như đêm lúc nào cũng bật Sinatra ầm ĩ thì đa phần để luôn chìa trong ổ khóa.

Nhưng khi nhìn theo ánh mắt của Jimmy, lựa ra những chiếc xe mà cậu biết là có chìa khóa, cậu chợt thấy một cơn đau mù mịt dâng lên đằng sau mắt và dưới thứ ánh mặt trời gay gắt đang nhảy nhót trên những mũi và thùng xe, cậu có thể cảm nhận được gánh nặng và sự mong đợi của cả dãy phố, của những ngôi nhà, của cả khu Thượng đối với cậu. Cậu sẽ là một đứa đi trộm xe. Cậu là một đứa trẻ tương lai sẽ vào đại học, trở thành một người xuất sắc hơn, quan trọng hơn là một viên đốc công hay một phu bốc dỡ. Kế hoạch đã được sắp sẵn như thế và Sean cũng tin rằng nếu cẩn thận và có ý thức thì kế hoạch sẽ diễn ra suôn sẻ. Giống như phải ngồi xem từ đầu đến cuối một bộ phim cho dù nó có tẻ nhạt hay khó hiểu tới mức nào đi nữa. Vì đôi khi tới cuối phim các nút thắt sẽ được mở ra hay một kết thúc hợp lý sẽ khiến người ta cảm thấy bõ công theo dõi cả một bộ phim.

Cậu ta toan bảo Jimmy điều đó nhưng cậu ta đã đi lên đầu phố và nhòm vào các cửa xe, Dave chạy bên cạnh.

“Chiếc này thì sao?” Jimmy đặt tay lên chiếc Bel Air của ông Carlton, giọng âm vang trong gió.


Phan_2
Phan_3
Phan_4
Phan_5
Phan_6
Phan_7
Phan_8
Phan_9
Phan_10
Phan_11
Phan_12
Phan_13
Phan_14
Phan_15
Phan_16
Phan_17
Phan_18
Phan_19
Phan_20
Phan_21
Phan_22
Phan_23
Phan_24
Phan_25
Phan_26
Phan_27
Phan_28
Phan_29
Phan_30
Phan_31
Phan_32
Phan_33
Phan_34
Phan_35
Phan_36
Phan_37
Phan_38
Phan_39 end
Phan_gioi_thieu
Nếu muốn nhận thông tin bài viết mới của trang thì like ở dưới hoặc truy cập trực tiếp CLICK

TRANG CHỦ
Truyện Teen   Ngôn Tình   Đam Mỹ   Bách Hợp   Mẹo Hay   Trà Sữa   Truyện Tranh   Room Chat   Ảnh Comment   Gà Cảnh   Hình Nền   Thủ Thuật Facebook  
Facebook  Tiện Ích  Xổ Số  Yahoo  Gmail  Dịch  Tải Opera  Đọc Báo 

Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian

C-STAT .
Snack's 1967